Lượt xem: 2388

Trả đúng tên Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Minh Luông cho tên con đường tại thành phố Sóc Trăng

Trong lúc chuẩn bị tư liệu, hình ảnh cho những bài viết về tên các con đường tại thành phố Sóc Trăng, chúng tôi phát hiện một thông tin chưa đúng về con đường mang tên liệt sĩ HỒ MINH LUÔNG đã bị viết sai thành HỒ MINH LUÂN. Điều rất tiếc là sai sót này đã tồn tại hàng chục năm nay. “Hãy trả lại tên cho anh” là điều mong mỏi của chúng tôi khi thực hiện bài viết này.

    Tọa lạc tại Khóm 1, Phường 1, ngay Chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng, đường Hồ Minh Luông (viết sai thành Hồ Minh Luân) một đầu nối với đường Hoàng Diệu, đoạn cuối nối với đường 3/2, nằm cặp bên khu chợ bán vải, phía bên kia đường có nhiều hiệu buôn nổi tiếng.


Đường Hồ Minh Luông (viết sai thành Hồ Minh Luân).

    Theo tài liệu của Ty Điền địa tỉnh Sóc Trăng còn lưu trữ, trước năm 1962 đã có con đường này, nhưng chưa được đặt tên. Đến năm 1967 đường này có tên là Võ Quang Điền. Sau ngày giải phóng, năm 1976 được đổi tên là Hồ Minh Luông để ghi nhớ công lao và thành tích của người Chính trị viên Đại đội 247 đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

    Hồ Minh Luông sinh năm 1942[1] trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước tại làng Thạnh Thới An, quận Thạnh Trị[2], tỉnh Sóc Trăng.

    Như những thanh niên cùng trang lứa tại quê nhà, Hồ Minh Luông tham gia cách mạng khi chưa tròn 18 tuổi, là cán bộ Xã đội Thạnh Thới An. Do tích cực công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên chỉ hơn một năm sau Hồ Minh Luông được kết nạp vào Đảng (ngày 15-12-1961). Sau đó không lâu, đồng chí được cử đi học lớp đào tạo cán bộ trung đội. Ngày 01-7-1964, Tiểu đoàn Phú Lợi thuộc Tỉnh Đội Sóc Trăng được thành lập, đồng chí Hồ Minh Luông được điều động lên tỉnh, làm cán bộ chính trị Tiểu đoàn Phú Lợi.

    Đầu năm 1967, Đại đội độc lập 247 (còn gọi là C247) trực thuộc Tỉnh Đội Sóc Trăng được thành lập. Đồng chí Hồ Minh Luông được phân công làm Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đại đội 247. Cũng từ đây, tài năng, đức độ của đồng chí Hồ Minh Luông được tỏa sáng, được anh em, đồng chí tin yêu, mến phục.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Tỉnh Đội, ngày 02-4-1967, Đại đội 247 cơ động vào vùng 6 xã đất liền của huyện Long Phú để hoạt động, tổ chức đánh địch để phá kềm, mở lõm, cùng các lực lượng liên tục tiến công vào thị xã Sóc Trăng. Hoạt động trên địa bàn vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng với trách nhiệm là Chính trị viên Đại đội, đồng chí Hồ Minh Luông thể hiện vai trò hạt nhân đoàn kết trong đơn vị. Đồng chí lãnh đạo Đại đội 247 kiên trì khắc phục khó khăn, anh dũng chiến đấu, bám trụ vững chắc địa bàn. Với phương châm “tập trung, phân tán linh hoạt”, đồng chí Hồ Minh Luông đã lãnh đạo đơn vị vừa luồn sâu vũ trang tuyên truyền trong vùng yếu, vùng kềm, vừa chủ động tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng phát triển lực lượng của địa phương hỗ trợ các phong trào đấu tranh của quần chúng.

    Đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh trên 50 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch, trong đó có những trận đạt hiêu suất chiến đấu cao, có tiếng vang lớn, như: (1) Trận chống càn tại Kinh Cũ, xã Long Đức vào tháng 5-1967 làm chết và bị thương 30 tên địch. (2) Trận phối hợp với cơ sở nội tuyến đánh đồn dân vệ Phú Hữu giữa ban ngày vào tháng 6-1967, tiêu diệt 3 tên địch, bắt sống 7 tên, thu 90 súng các loại. (3) Trận tiến công vào thị xã Sóc Trăng vào ngày 17-01-1968, đồng chí Hồ Minh Luông chỉ huy đơn vị đánh chiếm hậu cứ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 33, diệt và làm bị thương 30 tên. (4) Trận đánh phục kích và truy kích đại đội biệt kích của quận Long Phú càn ấp Ba, xã Long Phú vào tháng 5-1968, làm thiệt hại và bị thương gần hết đại đội. Sau đó địch cho phi pháo bắn phá dữ dội vào đội hình của Đại đội 247 và cho một đại đội bảo an chia làm 2 mũi đánh vào quyết tiêu diệt đại đội. Nhờ chuẩn bị công sự, trận địa tốt, đồng chí Hồ Minh Luông động viên cán bộ, chiến sĩ quyết giữ trận địa, đánh bật nhiều đợt tấn công của địch. Đến chiều tối, phát hiện địch rút, đồng chí Hồ Minh Luông hạ lệnh toàn đơn vị nổ súng đánh mạnh vào đội hình, khiến địch chạy tán loạn. Chớp thời cơ, đồng chí chỉ huy đơn vị cùng xung phong truy kích địch trên 1 km. Kết quả 2 trận đánh trong ngày, Đại đội 247 diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. (5) Đặc biệt nhất là trận đánh bảo vệ Bàn thờ Bác Hồ tại ấp Trường Lộc, xã Trường Khánh: Ngày 3-9-1969, được tin Bác Hồ từ trần, ngày 4-9-1969, Đại đội 247 cùng với Đội Biệt động Khu III thị xã Sóc Trăng và du kích xã Trường Khánh trân trọng lập bàn thờ để làm lễ thọ tang Bác. Địch lợi dụng ta ngừng tiến công, ngày 4-9 chúng cho một tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 33 và Tiểu đoàn bảo an 408 của Tiểu khu Ba Xuyên cùng với 18 xe bọc thép M113 kết hợp phi cơ, phi pháo đánh vào ấp Trường Lộc để tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng. Trước tình hình nguy cấp, đồng chí Hồ Minh Luông động viên cán bộ, chiến sĩ và du kích hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tử để bảo vệ bàn thờ Bác. Đồng chí triển khai ngay trận địa phòng ngự và bố trí nhiều bãi chông, mìn, chất nổ chờ địch. Thay mặt anh em chiến sĩ, đồng chí Hồ Minh Luông hạ quyết tâm: “Quyết đánh địch để bảo vệ trận địa làm lễ thọ tang Bác và quyết đánh cho bọn bảo an Tiểu khu Ba Xuyên, bọn chủ lực vùng IV biết danh Anh bộ đội Cụ Hồ”. Địch mở liên tiếp nhiều đợt tấn công nhưng đều bị lực lượng vũ trang cách mạng đánh bật. Sau một ngày chiến đấu, đồng chí Hồ Minh Luông lại xuống từng tổ, mũi chiến đấu thăm hỏi anh em chiến sĩ, tổ chức lại đội hình chiến đấu, bố trí thêm bãi chông, bãi mìn. Bị chặn đánh quyết liệt, địch không tiến vào được, chúng tăng cường lực lượng và mở thêm nhiều hướng tấn công. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ và dưới sự chỉ huy trực tiếp đầy thông minh, sáng tạo của đồng chí Hồ Minh Luông, đơn vị đã giữ vững trận địa suốt 7 ngày đêm, chiến đấu với lực lượng địch đông gấp 20 lần, với phương tiện chiến tranh hiện đại. Đại đội 247 cùng với Đội Biệt động Khu III thị xã Sóc Trăng và du kích xã Trường Khánh đã bẻ gãy hàng chục đợt tiến công của địch, tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, bắn cháy 4 xe bọc thép M113, bắn hỏng 4 máy bay địch, buộc địch phải rút lui. Với thắng lợi của trận đánh phản kích ở Trường Lộc và nhiều chiến công khác, Đại đội 247 được Quân khu Tây Nam Bộ đề nghị tuyên dương anh hùng với 8 chữ vàng “Anh dũng, kiên cường, bám dân, diệt địch”. Đây còn là đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

    Sau trận chiến đấu oanh liệt bảo vệ bàn thờ để làm lễ thọ tang Bác, địa bàn Khu III được giữ vững và có chiều hướng mở rộng tuyến hành lang vùng 6 xã đất liền huyện Long Phú. Đồng chí Hồ Minh Luông cùng với đồng đội vừa thực hiện nhiệm vụ đánh địch, vừa thực hiện vai trò vận động quần chúng, thị sát các địa bàn trọng điểm để xây dựng kế hoạch chống địch càn quét.


Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Minh Luông 

    Trong một tối khi dẫn một tổ đi trinh sát, nghiên cứu địa hình ở xã Châu Khánh và Trường Khánh, đồng chí Hồ Minh Luông cùng các chiến sĩ bị lọt vào ổ phục kích của địch. Đồng chí Hồ Minh Luông bị thương nặng và hy sinh, đó là ngày 16-11-1969, nhằm ngày 7 tháng 10 năm Kỷ Dậu.

    Tin đồng chí Hồ Minh Luông hy sinh đã gây bàng hoàng, xúc động đối với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân; đặc biệt cán bộ, chiến sĩ Đại đội 247 và Nhân dân 6 xã vùng đất liền huyện Long Phú.

    Trong suốt quá trình công tác và chiến đấu, đồng chí Hồ Minh Luông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều thành tích nổi bật. Đồng chí luôn có tư tưởng tiến công địch với tinh thần dũng cảm, mưu trí, gan dạ, được anh em, chiến sĩ quý mến, cấp trên tin tưởng.

    Ngày 20-12-1994, liệt sĩ Hồ Minh Luông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Sau ngày giải phóng, tên đồng chí Hồ Minh Luông được chọn để đặt tên cho một con đường ở trung tâm chợ Sóc Trăng. Tuy nhiên, do sai sót trong quá trình triển khai thực hiện, nên đường lại có tên Hồ Minh Luân. Xin kiến nghị các ngành chức năng, đặt biệt là Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu tham mưu chỉnh sửa lại tên đường đúng với tên liệt sĩ Hồ Minh Luông. Đây chính là sự tri ân cho những đóng góp của liệt sĩ Hồ Minh Luông./.

Thanh Hà



[1] Có tài liệu ghi năm 1939, bài viết ghi đồng chí Hồ Minh Luông sinh năm 1942 là theo tài liệu của Tỉnh Đội Sóc Trăng cung cấp.

[2] Từ tháng 1/1961 đến tháng 4/2010 xã Thạnh Thới An thuộc huyện Mỹ Xuyên và từ tháng 4/2010 đến nay thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 7184
  • Trong tuần: 77,891
  • Tất cả: 11,801,211